Chiến thuật trên từng chặng đường
Khi chúng tôi đến thao trường Đồng Doi và d15 thuộc Trường Sĩ quan Lục quân 1, Đội tuyển Địa hình quân sự đang luyện tập phần nội dung vận động góc phương vị, một trong 3 nội dung của Cuộc thi "Kinh tuyến" tại Army Games 2021. Đội hình 9 người chia làm 3 tổ, mỗi tổ 3 thành viên.
Đứng dưới cái nắng 39-40 độ C, Đại úy Đinh Văn Thuấn, một trong 9 thành viên của đội tuyển, chăm chú nhìn vào chiếc địa bàn cầm trên tay để xác định góc phương vị.
Trong nội dung thi này, mỗi tổ sẽ nhận một đề thi, trong đề có thông tin về góc phương vị và cự ly của 10-15 mục tiêu với tổng quãng đường khoảng 6km mà các vận động viên (VĐV) phải đi qua. Mỗi tổ chỉ được sử dụng địa bàn để lấy hướng vận động ngoài thực địa và tính toán cự ly theo cặp bước chân của từng chặng. Quá trình vận động, các VĐV phải luôn giữ được hướng đi và tính toán cặp bước chân sao cho chính xác nhất để xác nhận hết mục tiêu trong thời gian ngắn nhất.
    |
 |
Sử dụng địa bàn để lấy hướng vận động ngoài thực địa. Ảnh: TRỌNG HẢI |
“Nghe thì đơn giản, nhưng khi thực hiện trên các dạng địa hình khác nhau, địa hình đồi núi phức tạp, không bằng phẳng và có nhiều chướng ngại vật như ao hồ, cây cối... thì việc giữ đúng hướng, tính toán đúng cự ly lại chẳng dễ dàng. Nếu VĐV lấy hướng sai 1 độ ở cự ly 500m thì sai số là 9m. Quá trình vận động đến mục tiêu, các VĐV trong tổ đều phải bàn tính chiến thuật để bảo đảm đến mục tiêu nhanh nhất và an toàn nhất”, Đại tá Đỗ Ngọc Thành, Chủ nhiệm Bộ môn Địa hình quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1, huấn luyện viên đội tuyển chia sẻ.
Quá trình tuyển chọn khắt khe
Theo Đại tá Hoàng Minh Ngọc, Cục trưởng Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu, cuộc thi này đòi hỏi VĐV phải hội tụ nhiều yếu tố như: Tính tỉ mỉ, cẩn thận, quyết đoán, trí nhớ và khả năng logic tốt, trình độ chuyên môn, kỹ năng bắn súng, sử dụng thành thạo các trang thiết bị...
Trong giai đoạn thi vận động góc phương vị, VĐV sẽ phải mang theo giáp, vũ khí, trang bị với tổng trọng lượng gần 15kg, liên tục vận động trên chặng đường dài khoảng 6km đến các mục tiêu. Còn ở giai đoạn thi tiếp sức địa hình, VĐV chẳng những phải mang mặc trang bị mà còn phải vượt chướng ngại vật, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Vì thế, nền tảng thể lực tốt được đánh giá là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Nhằm chọn ra những gương mặt nổi bật tham dự Army Games này, giai đoạn tuyển chọn được tiến hành khắt khe. Sau nhiều tháng, đội hình rút gọn còn 9 VĐV tham gia vào giai đoạn luyện tập nâng cao, để cuối cùng lựa chọn ra 6 người sang Liên bang Nga thi đấu.
    |
 |
Vận động viên luyện tập vượt vật cản trong giai đoạn tiếp sức địa hình. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Không sợ khó, chẳng ngại khổ
Có một điều dễ nhận thấy ở các thành viên Đội tuyển Địa hình quân sự là sức trẻ và lòng nhiệt huyết. Những người lính mang trong mình khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho quân đội.
Đại úy Đinh Văn Thuấn vốn là giáo viên Trường Sĩ quan Pháo binh. Trước đây, công việc thường ngày của anh gắn với phấn, bảng và giảng đường. Nay thì khác, anh thường xuyên luyện tập cường độ cao trên thao trường, dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thế nhưng, Đại úy Đinh Văn Thuấn chẳng những bắt nhịp nhanh với quá trình luyện tập mà còn dần khắc phục được những điểm còn hạn chế, kết quả ngày càng nâng cao. Cởi chiếc áo giáp, bên trong là bộ quân phục ướt sũng mồ hôi, anh nhìn chúng tôi vừa cười, vừa chia sẻ: “Các thành viên trong đội tuyển đều xác định không sợ khó, cũng chẳng ngại khổ. Bản thân tôi luôn nhận thức về trách nhiệm của bản thân, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Lần đầu tiên có mặt trong Đội tuyển Địa hình quân sự, Đại úy Cao Hoàng Anh, Phó đại đội trưởng Đại đội 17, Tiểu đoàn 6, Trường Sĩ quan Lục quân 1, vô cùng vui mừng và tự hào. Mỗi ngày luyện tập trên thao trường là một ngày anh nỗ lực vượt qua chính mình. Trải qua 4 tháng luyện tập, so với thời điểm ban đầu, Đại úy Cao Hoàng Anh đã nắm bắt được thêm nhiều nội dung, đặc biệt là kỹ năng sử dụng máy toàn đạc điện tử, kỹ năng vận động góc phương vị, thực hành bắn súng. Anh cho rằng tham gia đội tuyển là dịp để học hỏi, hoàn thiện bản thân và cũng là cơ hội để góp sức vì Tổ quốc, vì quân đội.
Trải qua quá trình huấn luyện vất vả nhưng ở Đại úy Cao Hoàng Anh, Đại úy Đinh Văn Thuấn, hay bất kỳ thành viên nào trong Đội tuyển Địa hình quân sự vẫn toát lên sự lạc quan, yêu đời, giống như cái cách họ chia sẻ về những dự định sắp tới: “Chúng tôi đã sẵn sàng hành trang để vượt những thách thức tại Liên bang Nga. Với quyết tâm và nỗ lực, chúng tôi mong muốn có thể mang tới những màn thi đấu ấn tượng, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế”.
Cuộc thi "Kinh tuyến" tại Army Games 2021 bao gồm 3 giai đoạn: Bắn súng, vận động góc phương vị, tiếp sức địa hình.
Trong giai đoạn vận động góc phương vị, khu vực thi sẽ được bố trí 10-15 điểm đánh dấu. Các tổ trắc địa địa hình trong thời gian ngắn nhất cần phải di chuyển theo tuyến đường đã định đến tất cả các điểm đánh dấu.
Tại giai đoạn tiếp sức địa hình, nhiệm vụ của tổ trắc địa địa hình là bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc hoàn thành nhiệm vụ đánh địch bằng hỏa lực. Để thực hiện nhiệm vụ này, tổ trắc địa địa hình phải xác định tọa độ của điểm “vũ khí”, tính toán góc định hướng và khoảng cách từ điểm “vũ khí” đến điểm “mục tiêu”. Tuyến đường thi trong giai đoạn này sẽ bố trí nhiều vật cản (đường dích dắc, cầu độc mộc, hào) và những khu vực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành (ghép bản đồ, dán bản đồ).
|
NGỌC THƯ